Ý tưởng biến vỏ gáo dừa khô thành đồ mỹ nghệ xuất khẩu

Trung bình mỗi năm cơ sở của anh xuất khẩu khoảng 3 triệu sản phẩm mỹ nghệ gồm đồ gia dụng, trang trí nội thất, quà lưu niệm bằng vỏ gáo dừa khô ra nước ngoài.
Anh Bảo tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP HCM. Loay hoay mãi chưa tìm được việc làm, tình cờ theo cha từ TP Tuy Hòa về huyện Tuy An thăm bà con, anh Bảo nhận thấy người dân nơi đây vứt bỏ gáo dừa khô lăn lóc khắp nơi, thậm chí chất thành đống. “Tôi nhặt một nửa vỏ gáo dừa khô mài thử thì phát lộ ra nhiều màu rất đẹp, sau đó tôi bàn với cha gửi mẫu nhờ Sở Khoa học & Công nghệ môi trường của tỉnh phân tích thì xác định không có chất gây độc hại”, anh nhớ lại. 25 tuổi, anh quyết định mở xưởng chế tác sản phẩm mỹ nghệ bằng gáo dừa khô từ nguồn vốn ban đầu của gia đình khoảng vài trăm triệu đồng.

Mỗi tháng anh Bảo thu mua khoảng 3-5 tấn vỏ gáo dừa khô của bà con nông dân huyện Tuy An với giá 20.000 đồng một bao 25 kg. Từ những mảnh vỡ đủ mọi kích cỡ, cơ sở sản xuất của anh sản xuất, lắp ghép thành nhiều sản phẩm mỹ nghệ như dĩa, khay, đèn bàn, độc bình… làm quà lưu niệm cho khách du lịch và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Đức, trong đó Nhật là thị trường chính. Doanh thu mỗi năm hơn 2 tỷ đồng, cơ sở sản xuất của anh Bảo giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động nghèo và trẻ khuyết tật. Bình quân cả lao động thời vụ và lao động chính, mỗi người hưởng lương tháng từ 2,5 đến 3 triệu đồng.
Từ nghề truyền thống là chạm khắc rễ gốc cây, chế tác gỗ lũa, nhiều năm qua gia đình anh Bảo chuyển hẳn sang chế tác sản phẩm mỹ nghệ bằng vỏ gáo dừa. Vỏ gáo dừa khô có 5 màu gồm trắng, trắng vàng, nâu, nâu đen, đen. Sau khi mua nguyên liệu về, vỏ gáo dừa được xử lý qua nhiều công đoạn để chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ.
Nhân dịp Festival thủy sản Việt Nam 2014 đang diễn ra tại Phú Yên, anh Bảo giới thiệu mô hình cá ngừ đại dương lớn nhất Việt Nam được chế tác từ vỏ gáo dừa khô. Tác phẩm này dài 6m, cao gần 3m, nặng 350kg được chế tác từ hơn 1 triệu mảnh vỏ gáo dừa do 10 nghệ nhân thực hiện trong 3 tháng. Anh Bảo sẽ tổ chức bán đấu giá tác phẩm này để ủng hộ quỹ từ thiện của địa phương.
Theo anh Bảo, để cho ra đời sản phẩm mỹ nghệ hoàn mỹ phải trải qua nhiều công đoạn như sơ chế, phân loại mảnh gáo dừa khô theo nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau… rồi thiết kế, vẽ họa tiết trên giấy sau đó bắt tay vào làm. Trung bình mỗi năm cơ sở của anh xuất khẩu khoảng 3 triệu sản phẩm mỹ nghệ gồm đồ gia dụng, trang trí nội thất, quà lưu niệm bằng vỏ gáo dừa khô ra nước ngoài.
Tại TP Tuy Hòa, gia đình anh Bảo làm hẳn một mô hình nhà hàng nổi trên nhánh sông Chùa từ 5 tấn vỏ gáo dừa. Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhìn nhận, từ nguồn nguyên liệu vỏ gáo dừa khô tưởng chừng bỏ đi của bà con nông dân, gia đình anh Bảo đã thu mua về chế tác thành những sản phẩm mỹ nghệ có giá trị, được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng.
Từ năm 2005 đến nay, gia đình anh Bảo đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam 3 lần cấp chứng nhận xác lập kỷ lục đối với ba tác phẩm “Huyền Sử Đời Hùng” (chiếc bình lớn nhất Việt Nam), “Nguồn sáng Việt” (Chiếc đèn bàn lớn nhất Việt Nam) và “Biển Gọi” (Mô hình con chim Yến lớn nhất Việt Nam). Trong đó “Nguồn sáng Việt” được lắp ghép từ 500.000 miếng gáo dừa, cao hơn 6m, đường kính chao đèn 3m. Suốt 8 tháng, 32 nghệ nhân mới chế tác hoàn tất sản phẩm này.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *